1. Làm "sếp" ở nhà
(Phong Cach) - Một số phụ nữ quên cởi chiếc áo công sở khi về đến nhà. Do quen điều khiển nhân viên, họ vô tình đẩy chồng con vào thế nhẫn nhịn, né tránh, sợ hãi…
Ngày càng có nhiều phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo trong các công ty. Tuy nhiên, một số phụ nữ tài giỏi này không có được gia đình hạnh phúc. Giữa họ với chồng, con thường có một khoảng cách vô hình như… sếp với nhân viên.
Lý do?
Thay vì làm vợ đảm, mẹ hiền, họ lại trình diễn kiểu chỉ tay năm ngón ngay trong gia đình với chồng con bởi họ đã quen với cung cách chỉ đạo cấp dưới khi ở công ty. Chị Huỳnh Thị Phương Trang, 38 tuổi, Phó giám đốc công ty TNHH kiến trúc Sao Mai, nổi tiếng là một phụ nữ tháo vát. Cấp dưới của chị đa số là đàn ông và rất thông minh. Vậy mà họ lại luôn kinh nể chị, vì chị là người có tài, biết ứng xử và rạch ròi trong công việc.
Chuyện công ty thì suôn sẻ vậy, nhưng ở nhà thì khác. Gần một năm nay, chị và ông xã sống trong tình trạng tạm ly thân chỉ vì giữa họ có những mâu thuẫn tự ái không dễ giải quyết, đặc biệt là trong lần chị thăng chức mới đây. Anh Sơn, chồng chị, chỉ là kỹ thuật viên ở một công ty môi trường. Kể từ khi chị lên chức trưởng phòng rồi phó giám đốc chỉ trong vòng 3 năm, anh đã cảm thấy vợ mình ngày càng khó gần.
Không phân biệt được đâu là công sở, đâu là nhà
Trước đây, thấy vợ quá bận rộn, Sơn tự nguyện vào bếp lo cơm nước, làm việc nhà, đưa đón con để đỡ đần vợ. Nhưng dần dần, trong cảm nhận của mọi người, giọng điệu, cách nói năng của chị ngày càng nặng mùi… thị uy. Về đến nhà, chị hết sai con lấy nước lại bảo chồng rửa bát hộ mẹ chồng. Có hôm trở trời, mẹ chồng chị mệt trong người nên chỉ nấu nướng qua loa. Chị về, nhìn mâm cơm nhăn nhó: “Tiền con đưa mẹ đi chợ đâu có ít mà mẹ hà tiện cho khổ? Ăn uống thế này thì con lấy sức đâu mà làm việc!”.
Khi bị vợ chiếm lĩnh vị thế độc tôn ở nhà, người đàn ông thường rơi vào trạng thái tự ti, mặc cảm. Vì thế bạn nên cởi chiếc áo công sở khi bước chân về nhà.
Không chỉ sẵn sàng quát nạt khi có điều không vừa ý, chị còn đem cả việc cơ quan về. Những hôm ở công ty có sự cố gì, chị đều về nhà với vẻ mặt hầm hầm khiến chẳng ai dám đến gần. Riêng anh Sơn, sau nhiều lần bị vợ sửa lưng, thẳng thừng bác bỏ ý kiến của mình, anh cảm thấy rất chán nản, chẳng muốn nói chuyện với vợ.
Về trường hợp này, anh Trần Tuấn, chuyên viên Trung tâm Tư vấn tâm lý – giáo dục và tình yêu – hôn nhân – gia đình TP. HCM, nhận định: “Khi phụ nữ trở thành người chỉ huy trong gia đình, họ vô tình đẩy người chồng, theo quan niệm truyền thống là có vai trò trụ cột trong gia đình, vào thế lép vế”. “Mâu thuẫn rất dễ nảy sinh cho dù đó là chuyện nhỏ nhặt nhất. Vợ cương quyết, nhất nhất mọi chuyện phải theo ý mình. Trong khi đó, người chồng không thể đáp ứng yêu cầu của vợ vì năng lực không tới, hoặc vì tự ái, không thể vượt qua cái tôi của mình. Lúc này, nếu người phụ nữ không viết cách cân bằng thì hạnh phúc vuột khỏi tầm tay là hậu quả trước mắt".
Khi chồng là chiếc bóng: Hậu quả khó lường!
Con cái cũng nhận thức được tầm quan trọng và vị thế của mẹ so với bố. Chúng sẽ có xu hướng nghiêng về phía mẹ nhiều hơn. Khi đó, người đàn ông cảm thấy không còn giá trị trong mắt người thân. Trong đầu họ sẽ định hình dần sự so sánh và có xu hướng bị thu hút bởi yếu tố bên ngoài. Mục đích nhằm chứng tỏ khả năng, lấy lại vị trí của mình. Họ trở nên lơ là với vợ con. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng ngoại tình hay sa vào các tệ nạn như bài bạc, rượu chè…
Anh Nguyễn Quyết Thắng, kỹ sư cơ khí tại một công ty vận tải tầu biển, đã làm một cú bứt phá khiến người thân, đồng nghiệp phải sững sờ. Hai tháng trước, anh quyết định ly hôn với vợ, chị Bích Hà, sau 6 năm gắn bó.
Trước đây, vợ chồng anh là hình tượng của bao người. Vợ anh là phó giám đốc một trung tâm giao dịch bất động sản. Hai vợ chồng chỉ có một con trai 4 tuổi. Tâm sự với bạn thân, anh nói rằng vợ mình chẳng bao giờ quan tâm đến cái quần, cái áo anh mặc. Mọi việc trong nhà, con cái đều giao khoán cho người làm. Con ốm, chị cũng chẳng thèm lo. Không chỉ vậy, do làm ra nhiều tiền, chị thường rất rộng rãi với anh chị em trong nhà. Nhờ thế, chị có thể dễ dàng sai khiến các em hoặc kêu gọi sự ủng hộ từ mọi người. Thấy anh đi làm nhiều năm mà chức vụ vẫn như cũ, chị buộc anh học lên cao để có cơ hội lên làm quản lý như chị. Trong khi anh còn chần chừ thì chị ra tối hậu thư: “Nếu không học, mất vợ”. Chị cho rằng mình thừa sức tìm cho anh công việc khác ngon lành hơn.Đến nước này, không chịu nổi tính khí muốn gì được nấy của vợ, anh đành nói lời chia tay.
Tính anh Thắng vốn không thích bon chen. Anh chỉ muốn làm một nhân viên bình thường, không thích lãnh đạo ai, cũng không thích tranh giành quyền lực. Trong khi đó, chị Hà là người quen chỉ đạo, sắp xếp mọi việc đến mức hoàn hảo. Hai tính cách trái ngược nhau, mâu thuẫn ngày càng sâu sắc nên tan vỡ là điều tất yếu. Hãy chủ động tỏ ra mình biết tổ chức công việc ở nhà cũng tốt như ở công ty. Giao việc cho người thân, người giúp việc, nhưng đừng phó mặc hết cho họ. Hãy thể hiện sự quan tâm đến chồng còn bằng việc chú ý đến bữa cơm, bộ quần áo… của họ
Chớ biến mình thành người đàn bà… thép lạnh
Cũng dễ hiểu khi những người phụ nữ có vị trí trong xã hội thích lãnh đạo cả gia đình mình. Họ có trách nhiệm chỉ đạo, ra quyết định trong công ty, lâu dần trở thành thói quen. Bên cạnh đó, họ đã quen đòi hỏi sự hoàn hảo ở cấp dưới. Vì thế, khi về nhà, họ cũng muốn mọi thứ phải chu toàn theo đúng trình tự, bài bản. Điều này có thể thông cảm được.
Thế nhưng, tổ ấm có bền vững, hạnh phúc có kéo dài hay không đều do người phụ nữ. Họ phải biết dung hòa, sưởi ấm và cân bằng tình cảm vợ chồng, con cái. Nhà khoa học người Anh, Dr. Auton, từng có câu nói: “Bí quyết hạnh phúc của người đàn bà là tự tin với niềm vui trong bổn phận”. Bổn phận của người phụ nữ ở đây chính là đức tính hy sinh, sự quan tâm, thương yêu, lo lắng đến các thành viên trong gia đình.
Một người vợ khéo léo cần phải biết tìm ra ưu, khuyết điểm của bản thân cũng như chồng mình. Đặt cương vị mình vào hoàn cảnh của chồng để hiểu và chia sẻ với anh. Không nên so sánh chồng với người khác. Đừng bắt anh ấy hoàn hảo giống bạn. Đàn ông luôn muốn được xem là trụ cột trong nhà. Vì vậy, đừng tự xem mình là người lãnh đạo trong gia đình dù mọi việc đều do mình quyết định. Nếu không, bạn sẽ khiến chồng hụt hẫng vì cảm giác là kẻ vô tích sự.
Đặc biệt, nên tranh thủ thời gian (khi ngồi trong xe, trước khi đi ngủ, trong bữa ăn tối…) để trò chuyện với chồng con. Nói cách khác, dù không gần gũi cả ngày bên họ, bạn vẫn cho họ cảm giác là mình luôn hướng về họ. Ngoài ra, bố mẹ hai bên là một phạm trù khá… nhạy cảm. Nếu bố mẹ chồng sống chung trong nhà, bạn không nên, dù chỉ vô tình, xem họ như gánh nặng. Chẳng hạn, ít khi trò chuyện vui vẻ hoặc phó thác hết việc chăm sóc trẻ con khiến các cụ có cảm giác là người thừa, thậm chí người giúp việc.
Người đàn ông hãy kịp thời khuyên nhủ, chia sẻ
Khi nhận thấy vợ bắt đầu có xu hướng “lợi dụng quyền hạn” trong nhà, chồng phải là người lên tiếng đầu tiên. Anh cần phân tích cho vợ thấy đâu là vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Một người chồng tốt và khéo léo sẽ biết cách thuyết phục vợ, hỗ trợ và chia sẻ để cô ấy làm tròn trách nhiệm cả với gia đình và ngoài xã hội.
Khi đàn ông làm việc nhà…
Đàn ông muốn vợ biết rằng họ rất thương vợ. Họ sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm để cô ấy yên tâm… chinh chiến bên ngoài. Họ cũng muốn nói rằng: Công việc nhà là những chuyện vặt vãnh. Đàn ông còn làm tốt hơn cả phụ nữ. Họ tôn thờ nhan sắc mỹ miều của vợ. Họ sợ nếu để cô ấy làm ô-sin trong nhà, nhan sắc ấy sẽ chóng tàn phai. Là khi các chàng nhận ra rằng mình đã rước nhầm một cô vợ lười biếng. Để vợ đụng tay vào, thế nào cũng vỡ đĩa, rơi bát. Quý ông sợ tốn tiền khi vợ đề nghị thuê người giúp việc. Họ nghĩ, tiền đó để uống bia còn sướng hơn.
2. Vợ chồng cùng làm sếp
Câu chuyện giữa bà Bình ở Đội Cấn, Hà Nội, với người hàng xóm bị ngắt quãng giữa chừng vì tiếng điện thoại. Bà tất tả nghe máy rồi chép miệng thở dài: "Lại phải sơ tán sang nhà thằng con trai cả để chăm sóc hai đứa cháu. Vợ chồng nó đều làm sếp, có chút địa vị trong xã hội nhưng con cái thiệt thòi quá".
Anh Huy con trai bà Bình là Giám đốc Ban quản lý dự án một công trình ở Sơn La của Tổng công ty Xây dựng Sông Đà. Còn cô con dâu, Hà Phương, làm giám đốc phụ trách kinh doanh một hãng điện tử của Nhật Bản tại miền Bắc.
Bà Bình nhẩm tính, mỗi năm cậu cả đi công tác thường xuyên tới gần 9 tháng, tính gộp lại những ngày anh toàn tâm toàn ý ở nhà chỉ được khoảng hai tháng rưỡi. Toàn bộ việc nhà, từ đối nội đối ngoại, nuôi dạy con cái, quán xuyến gia đình được giao tất cho cô con dâu. Vốn đảm đang chịu khó, thời gian đầu Phương cũng hoàn thành tốt việc cơ quan và gia đình, bà Bình chẳng chút phiền muộn. Thế nhưng kể từ khi được đề bạt lên chức giám đốc, Phương bị cuốn vào việc. Họp hành, chạy đua doanh số bán hàng... chiếm gần như hết quỹ thời gian của chị. Thành thử vừa mới nghỉ hưu chưa đầy ba năm, bà Bình nhận luôn nhiệm vụ làm người giúp việc, chăm sóc hai đứa cháu nội cho vợ chồng cậu cả khi nàng dâu đi công tác; hợp tác lâu dài với vợ chồng thằng hai trong việc nuôi dạy cháu.
Những lúc rảnh rỗi lắm bà mới được dành chút thời gian riêng tư cho những hoạt động hưu trí như tập khí công, đi bộ hay sinh hoạt ở phường. "Bận rộn thì chẳng nói làm gì nhưng thấy xã hội hiện đại, công việc cuốn hết cả tình cảm, nhiều lúc nghĩ tội các cháu và lại càng cảm thấy thương vợ chồng thằng con", bà Bình than thở.
Người Việt Nam xưa nay khi gặp gặp nhau, câu hỏi đầu tiên bao giờ là được mấy cháu, trai hay gái? Câu thứ hai là các cháu làm gì rồi?... Thậm chí có người còn mạnh mồm nói rằng: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” một cách đầy tự hào. Thế nhưng ở xã hội hiện đại, nhiều cặp vợ chồng "sếp" cưới nhau đã cố hoãn việc có con để lo phấn đấu cho sự nghiệp. Đến lúc có địa vị rồi thì ôi thôi, chẳng thể nào đủ sức mà "ấp trứng".
Hoàng và Dung yêu nhau từ hồi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học Bách Khoa, Hà Nội. Ra trường, có công ăn việc làm ổn định, sau hai năm họ tổ chức lễ cưới. 33 tuổi, Hoàng trở thành chuyên gia phần mềm tin học, được hưởng mức lương gần chục triệu mỗi tháng, nhưng đổi lại anh phải làm việc đến 15 tiếng mỗi ngày. Càng được “sếp” tín nhiệm trả lương cao, anh càng say mê, có khi nửa đêm thức dậy bật máy tính lên làm việc. Dung vợ anh làm trưởng phòng kinh doanh cho một công ty thời trang tư nhân ở Hà Nội cũng có thu nhập khá cao.
Mỗi người một nghề, một thú vui, sở thích nên cả hai bị công việc cuốn đến quên cả việc ngồi lại với nhau để nói chuyện sinh con đẻ cái. Hãn hữu lắm hai người mới có thời gian đưa nhau đến nhà hàng vào buổi tối để hưởng những phút giây lãng mạn có nến, hoa thơm và rượu ngoại. Thế nhưng thời khắc hiếm hoi ấy có lúc Hoàng và Dung cũng bỏ đũa để nói chuyện điện thoại với sếp hoặc nhân viên cấp dưới hay đối tác làm ăn.
Nghe nói năm Đinh Hợi, con lợn vàng hợp tuổi 2 vợ chồng, từ giữa năm ngoái, Hoàng và Dung quyết định tạm gác công việc để sinh con. Thế nhưng ngày lại ngày trôi qua, gần hết quý 2, vợ chồng nhìn nhau vẫn chưa thấy tín hiệu vui.
Tâm sự với VnExpress nhiều người cho biết họ rất yêu trẻ con và mong muốn xây dựng một mái ấm gia đình hoàn thiện. Tuy nhiên, công việc đối với họ cũng là một phần không thể thiếu. Làm việc không phải chỉ để có nhiều tiền mà gần như niềm đam mê của họ, không dứt ra được. Thậm chí, sếp Hùng, giám đốc 2 công ty tư nhân chuyên về đồ uống của Nga còn mê việc đến mức đã bước sang tuổi tứ tuần mà vẫn chưa có ý định sinh con bởi ông không hình dung được nếu đẻ một đứa con thì họ sẽ sống như thế nào. Anh tâm sự: "Nếu sinh con mà không có thì giờ nuôi dạy thì chưa chắc con đã là nguồn hạnh phúc mà có khi lại thành “của nợ” làm khổ cả đời".
Hãy giữ lấy hạnh phúc
Khi cả hai đều là người đứng đầu một cơ quan, quỹ thời gian hầu như để hết ở công sở với trách nhiệm đảm bảo cuộc sống cho hàng trăm người lao động, chuyện nhà mình lại hóa ra xa lạ như của ai ấy. Thường xuyên vắng nhà, con cái nhờ hết vào ông bà và người giúp việc, chểnh mảng chuyện gối chăn, cả tuần chẳng ăn nổi một bữa cơm ở nhà. Vợ chồng giống như mặt trời mặt trăng có khi mấy ngày không thấy mặt nhau... là những chuyện không hiếm xảy ra tại các gia đình khi cả vợ chồng đều làm "tướng". Do vậy, thu xếp cái gia đình nhiều việc ấy như thế nào cho ổn thỏa, cũng là bí quyết riêng của các sếp vợ chồng.
Vợ chồng anh Dũng chị Vy chung tay xây dựng một doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc. Anh làm giám đốc vợ quản lý tài chính đã rút được bài học xương máu từ vợ chồng người bạn có địa vị xã hội. Khi mọi chuyện quá muộn, bạn anh chị đã phải dẫn nhau ra tòa, tài sản bị chia tách, con cái phân ly mới giật mình, quay lại không kịp.
"Quen chỉ huy trong công ty mà, nên anh muốn cả nhà nghe mình, chị cũng muốn chồng với con coi ý kiến mình là số một. Kết quả là cái mối quan hệ xương sống gia đình bị gãy, hôn nhân tan rã", anh Dũng phân tích. Chính vì thế, vợ chồng anh Dũng cứ nhìn vào "gương" ấy mà phân công: "Nếu hai ý kiến choảng nhau thì tìm ý kiến thứ ba dung hòa". Nhờ đó mà anh chị sống với nhau hơn 20 năm với hai mặt con, đều vào đại học... Đến nay tình vợ chồng vẫn mặn nồng. Cứ đều đặn, không cơm khách hay công tác thì anh chị về nhà ăn trưa, tối cùng gia đình, lâu dần trở thành nếp nhà hay được chị gọi đùa là "gia quy".
Chị Hiên, Phó giám đốc một công ty du lịch lớn tại TP HCM, có chồng cũng là tổng giám đốc công ty to, còn bật mí bí quyết sắp xếp công việc gia đình khi cả hai đều là sếp. Chị không thuê người làm, đơn giản vì: "Nhà toàn đàn ông con trai, mỗi mình phụ nữ, có người làm dễ sinh chuyện này nọ".
Chị huấn luyện hai con trai biết phụ giúp mẹ bằng cách chia lịch lau dọn nhà cửa, giặt giũ đã có máy móc. Bố cũng phải biết phụ việc nhà. Cơm nước thì trước khi đi làm chị đã cắm nồi cơm. Cuối tuần đi chợ sẵn thức ăn trong tủ lạnh, về nhà chỉ cần nấu một loáng là xong. "Mệt, vất vả lắm, thân làm phó giám đốc nhưng nhiều khi lăn ra dọn dẹp nhà cửa, nhưng cũng vui vì gia đình hạnh phúc, chồng con chia sẻ", chị Hiên tự hào nói.
3. Vợ chồng cùng làm sếp
Một người làm sếp trong gia đình đã đủ khiến cho cuộc sống trở nên khó khăn và phức tạp, hai vợ chồng cùng làm sếp thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Thuận lợi khiến nhiều người mơ ước Chồng làm giám đốc, vợ làm trưởng phòng tổ chức, bạn bè ai cũng ngưỡng mộ và hết lời khen ngợi Quang Thắng - Thu Minh là đôi bạn trẻ giỏi giang, hạnh phúc.
Quả thật, khi cùng làm trong một công ty, đôi bạn trẻ này có rất nhiều thuận lợi. Sáng đưa nhau đi làm, tối cùng về, rất tiện đường mà lại tiết kiệm thời gian. Họ cũng dễ dàng trao đổi công việc, và điều quan trọng hơn cả, Thu Minh có điều kiện chăm sóc chồng tốt hơn cũng như thắt chặt vấn đề tài chính công ty.
Đàn ông thường hay quá tay, nhưng có vợ làm phụ tá thường xuyên nhắc nhở, Quang Thắng chi tiêu hợp lý hơn. Ở bên chồng cả ngày, Thu Minh hiểu rõ những vất vả lo toan của ông xã, cô cũng thông cảm những bữa tiệc không mong muốn của chồng. Những quan hệ xã giao nhiều khi không thể chối bỏ, tháp tùng cùng chồng đôi ba lần, Thu Minh hiểu rõ điều đó.
Khó khăn... không ít
Thuận lợi đủ đường nhưng khó khăn cũng xảy ra không ít trong đời sống những cặp vợ chồng khi cùng làm sếp. Là phu nhân của sếp nên Minh luôn phải chú ý đến lời ăn tiếng nói. Cô mong muốn chồng sẽ luôn cảm thấy tự hào khi nhắc về vợ. Nhưng điều này thật không dễ dàng. Nếu cô không có năng lực, nhân viên chắc chắn sẽ không mấy tôn trọng và đương nhiên cho rằng, vị trí mà cô đang có chỉ bởi vì cô là vợ sếp.
Điều đó, Minh hiểu hơn ai hết, phải nỗ lực hết mình trong công việc và quản lý, cô mới có thể xóa bỏ quan niệm thường trú bấy lâu trong mỗi nhân viên. Khi cả hai cùng làm sếp, cùng bị công việc cuốn vào, Minh đã rất khó khăn trong việc cân đối thời gian để có thể vẫn chăm sóc tốt cho gia đình, con cái.
Những buổi tối đi làm về muộn nên không thể tự mình nấu cơm, cô phải thuê người giúp việc. Đây cũng là việc rất bình thường trong các gia đình thành phố thời bây giờ. Chỉ có những ngày chủ nhật, Minh mới có dịp trổ tài nấu nướng. Tuy không phải là người nấu ăn quá ngon nhưng bữa cơm giản dị của cô lại rất được lòng chồng.
Vì làm trong một công ty nên hầu như Minh ở bên chồng cả ngày. Để tránh sự nhàm chán do gặp nhau quá nhiều, nên vào ngày cuối tuần, Minh động viên chồng đi chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè cũ. Còn cô thì tranh thủ ở nhà dọn dẹp, đưa con đi siêu thị mua sắm. Thỉnh thoảng, họ lại đổi "thực đơn" cuối tuần đi về quê thăm ông bà, họ hàng hoặc đi du lịch ngắn ngày. Để ngày nghỉ thực sự là ngày nghỉ, Thắng và Minh không bao giờ tranh luận công việc ở nhà vào cuối tuần. Thậm chí, nhiều khi sợ bạn bè rủ đi nhậu, Thắng tắt máy để dành thời gian tuyệt đối cho người thân.
Khi hai vợ chồng cùng làm sếp sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Để cân bằng được cuộc sống gia đình, cả hai đều cùng phải nỗ lực vun vén cho tổ ấm. Nhưng rõ ràng vai trò "định hướng" của người phụ nữ là rất quan trọng. Nếu khéo léo họ có thể làm "hoa tiêu" chỉ đường giúp người đàn ông lái con tàu gia đình đến bến bờ hạnh phúc.
Khi sếp bà thích việc hơn cả sếp ông
Đây có thể coi là một câu nói đa nghĩa. Nghĩa thứ nhất "Người phụ nữ thích công việc hơn cả người đàn ông thích công việc", nghĩa thứ 2 "Vợ thích công việc, coi trọng công việc hơn cả chồng". Dù là hiểu theo cách nào thì rõ ràng khi bị công việc chi phối quá nhiều thời gian và tâm huyết, người phụ nữ sẽ rất khó làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình.
Thực tế, trong xã hội có không ít những vị sếp nữ như thế. Từ ngày mở thêm 3 chi nhánh ở nước ngoài cho công ty do cô làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc, Thu Huyền ham mê thái quá công việc và hầu như không mấy khi có mặt ở gia đình. Chồng cũng làm sếp nhưng ở một công ty nhỏ hơn, công việc chỉ bằng ¼ công việc Huyền phải giải quyết hàng ngày. Lúc nào cô cũng tất bật và vội vã, chẳng bao giờ cô về nhà trước 10h tối.
Khi về đến nhà thì cô con gái yêu đã lên giường đi ngủ, chỉ còn chồng đang ngồi xem ti vi như có ý... chờ vợ. Anh ân cần hỏi vợ công việc ở công ty dạo này thế nào. Đáp lại sự hỏi thăm của chồng, Huyền chỉ ậm ừ, công ty em bận lắm, em buồn ngủ quá! Sau đó, cô đi tắm và lên giường ngủ, chả đoái hoài gì đến chồng. Dăm ba lần như thế thì thấy thương vợ, sau thì thấy buồn, và đến giờ thì chồng Huyền không còn muốn hỏi han vợ nữa.
Tình trạng đó kéo dài trong vài tháng buộc chồng Huyền phải nói chuyện thẳng thắn với vợ. Anh góp ý cô nên sắp xếp công việc hợp lý để có thời gian chăm sóc cho chính bản thân mình và để ý hơn đến gia đình. Bản thân anh cũng làm lãnh đạo nhưng anh luôn về trước 7h tối để ăn cơm cùng con, tại sao cô không về ăn cùng cả nhà cho ấm cúng? Những điều chồng nói Huyền đều biết.
Nhưng lúc nào cô cũng thấy công việc ngập đầu và có cảm giác nếu mình ngừng nghỉ chỉ cần một ngày thôi cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty và đời sống nhân viên. Chồng Huyền khuyên nên mời người giỏi về làm tổng giám đốc thay mình nhưng Huyền cương quyết không nghe. Cô nói trả lương cho trợ lý cũng đã tốn kém lắm rồi, thuê tổng giám đốc nữa thì chết. Hơn nữa, cô muốn mình phải là người lãnh đạo mọi công việc trong công ty, chỉ như thế cô mới yên tâm.
Đến đây thì chồng Huyền không tham gia góp ý nữa. Anh cũng có công việc và lòng tự trọng của mình. Và vì vậy, cuộc sống vẫn nếp cũ trôi qua, vợ chồng Huyền ngày càng trở nên xa cách hơn trong chính ngôi nhà mà trước đây hai người đã dày công vun đắp. Huyền yêu việc hơn chồng, hơn gia đình và hơn cả chính bản thân mình. Cô tự chấp nhận đánh mất hạnh phúc gia đình vì lòng đam mê công việc.
Danh vọng hay sự nghiệp chỉ là nhất thời, công việc không thể suy nghĩ và có tình cảm như con người và nó càng không thể thay thế vị trí người bạn đời. Ngày nay, vợ chồng cùng làm sếp ngày càng nhiều và song hành với nó là những bất ổn có thể nhìn thấy nhỡn tiền.
Bản thân họ lại là những người có trình độ cao, có cá tính nên đôi khi, mọi lý thuyết rao giảng về cách giữ gìn hạnh phúc với họ lại trở nên ngớ ngẩn. Điều quan trọng là họ phải tự biết điều chỉnh và chịu trách nhiệm với chính những bất ổn trong hạnh phúc của mình, trân trọng năng lực của người bạn đời để cùng nhau tô đẹp hơn giá trị cuộc sống.
4. Khi chồng không là trụ cột gia đình
Thấy vợ đi làm về, người tỏa ra mùi nước hoa cộng với hơi bia, gương mặt trang điểm tươi tắn rất hợp với bộ vest vừa phom, Dũng sa sầm nét mặt. Anh cảm thấy vai trò trụ cột trong nhà của mình lung lay từ ngày chị được thăng tiến.
Trước đây, Dũng cũng là giám đốc một công ty thương mại nhỏ ở Cầu Diễn, Hà Nội. Chị Xuân, vợ anh, vốn tốt nghiệp Đại học ngoại thương Hà Nội, sau khi sinh con đã chấp nhận làm công việc văn phòng nhàn hạ, không đúng chuyên môn với đồng lương chỉ đủ tiêu vặt để có thời gian chăm sóc gia đình. Ngày đó, Dũng rất tự hào vì mọi thứ trong nhà đều do mình quyết định, Xuân lúc nào cũng răm rắp nghe lời chồng.
Nhưng được vài năm, công việc không thuận lợi, công ty phá sản, Dũng phải quay ra buôn bán nhỏ lẻ với mấy người bạn. Kinh tế eo hẹp, Xuân được người bạn giới thiệu đến làm cho một công ty xuất khẩu. Với vốn kiến thức có sẵn, cộng thêm sự nhạy bén trong kinh doanh và khả năng giao tiếp, Xuân nhanh chóng khẳng định mình và được cất nhắc lên vị trí cao. Lương của Xuân giờ là nguồn thu nhập chính trong nhà, đồng thời, thời gian chị chăm sóc gia đình cũng giảm theo.
Anh Dũng đã buồn chán vì việc làm ăn không như ý lại càng tự ti trước những bước tiến của vợ. Dù không phải ngửa tay xin tiền nhưng anh thấy mình như bị lép vế trong gia đình và càng ngại hơn nếu có ai đó đụng chạm: "Vợ ông giỏi thế!" hay "Giờ chắc bị vợ bắt nạt rồi!".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, giảng viên khoa tâm lý, Đại học Sư phạm Hà Nội lý giải, từ xưa, quan niệm người đàn ông là trụ cột gia đình đã ăn sâu trong nếp nghĩ của mọi người trong xã hội. Vai trò trụ cột thể hiện trong hoạt đông sản xuất – kinh tế, người đàn ông đóng vai trò chủ yếu, là người chủ gia đình quyết định những công việc quan trọng nhất, còn người đàn bà đóng vai trò chính về nội trợ và phải dịu dàng, lễ độ với chồng
Trong cuộc sống hiện đại, phụ nữ có nhiều cơ hội hơn để học tập, làm việc và họ cũng đã thể hiện được khả năng của mình trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều người đàn ông vẫn không thể chấp nhận được mình "yếu thế" hơn vợ về vị trí xã hội hay khả năng kiếm tiền. Điều đó chạm đến sự tự ái, tính tự tôn của họ. Họ thấy như thế là không hợp với "chuẩn" của xã hội.
Để tránh bị vợ coi thường, nhiều người đàn ông đã chứng tỏ mình bằng cách lao vào kiếm tiền hay thậm chí đến với người phụ nữ khác yếu đuối hơn, ít tài giỏi hơn vợ và coi mình là "người hùng". Chẳng thế mà có chuyện, có người vợ cái gì cũng giỏi, từ kiếm tiền, sửa xe đến lắp bóng đèn, thông vòi nước nên thấy chồng làm gì cũng chê, đã đẩy chồng đến với người đàn bà khác thua kém mình mọi mặt nhưng biết nhờ vả và ngưỡng mộ anh.
Thật ra, khi kết hôn, không chỉ người đàn ông luôn tâm niệm mình phải là trụ cột trong gia đình mà chính bản thân phụ nữ cũng luôn mong đợi như vậy.
Duyên ở Thanh Xuân, Hà Nội, đang lưỡng lự trước quyết định bước lên xe hoa với Mạnh, vốn là người bạn học cùng cấp 3. Hai người gắn bó với nhau gần 4 năm. Duyên biết Mạnh rất yêu mình và anh cũng là chàng trai tốt, biết quan tâm, coi trọng gia đình dù không khéo nói lắm. Điều Duyên e ngại là hiện giờ cô đang làm cho một công ty lớn với thu nhập cao gấp nhiều lần đồng lương của Mạnh ở một cơ quan nghiên cứu khoa học. Duyên còn lo Mạnh là người hiền quá, lại bằng tuổi, chưa chín chắn nên sau này sẽ không thể là một bờ vai chắc chắn cho cô dựa vào.
Theo tiến sĩ Mùi, vai trò trụ cột không chỉ thể hiện ở thu nhập mà còn ở nhiều yếu tố khác. Nam giới vẫn có thể tạo cho người phụ nữ của mình cảm giác bình yên khi là một chỗ dựa tinh thần vững chắc, hiểu và chia sẻ mọi khó khăn với vợ, dù anh ta không phải là người kiếm được nhiều tiền. Hơn nữa, trong xã hội hiện đại, gánh nặng cơm áo có thể được san sẻ cho cả hai người. Và nếu có tình yêu thương, sự hiểu biết, họ sẽ cùng biết tạo điều kiện để bạn đời phát huy khả năng và chẳng so bì ai hơn, ai kém trong một nhà.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, để làm được điều này không dễ. Trước hết người đàn ông cần có bản lĩnh để vượt qua tự ái cá nhân, hiểu và thông cảm với công việc của vợ đồng thời cũng luôn cố gắng phấn đấu để tự khẳng định mình. Và điều quan trọng chính là cách ứng xử khéo léo, tinh tế của người phụ nữ để người chồng luôn có cảm giác mình vẫn là chỗ dựa, là người quan trọng với gia đình. Nếu là một người vợ nhạy cảm, bạn hãy hiểu khi thua kém vợ, dù chấp nhận nhưng trong sâu thẳm lòng mình, nam giới vẫn cảm thấy thiếu tự tin. Vì thế, bạn nên luôn tạo điều kiện để ông xã có cơ hội được khẳng định trong công việc, trước đám đông và đặc biệt là ngay chính trong gia đình nhỏ của mình.
5. Kê bằng chỗ lệch
Vợ chồng nghĩa là yêu thương, tôn trọng, quan tâm và chia sẻ, đừng mặc cảm, tự ti, cũng đừng tính toán hơn thua, ích kỷ. Nếu làm được như vậy thì dẫu là “trăm chỗ lệch”, vợ chồng cũng kê được cho bằng
Câu chuyện tình yêu sau 20 năm vợ chồng hay một ví dụ điển hình về thế nào là bình đẳng vợ chồng...Nếu phải lấy ví dụ về “đôi đũa lệch” thì vợ chồng chị Trang và anh Dũng (TPHCM) là một hình mẫu thuyết phục. Chị đẹp đẽ, trẻ trung, thu hút, anh thấp đen, tuổi hơn chị đúng một con giáp.
Chị sôi nổi, hay nói cười, lại năng động tháo vát, là chuyên gia hòa giải ở gia đình, cơ quan, thậm chí cả với dòng họ còn anh kiệm lời đến mức miệng nói tai không đủ nghe. Chị giỏi giang, thành đạt, là giám đốc marketing của một doanh nghiệp tên tuổi, lương cao ngất, đi nước ngoài như người ta đi siêu thị, anh chỉ là một viên chức đơn thuần của ngành bưu điện. Cơ quan tính giảm biên chế, anh xin nghỉ việc, tình nguyện ở nhà làm... anh nuôi kiêm “xe ôm” phục vụ các con và “độc quyền” làm tài xế riêng của chị. Người ngoài nhìn vào thật khó tưởng tượng anh chị làm sao kê cho bằng cái đôi đũa lệch đến thế. Nhưng anh chị đang sống hạnh phúc với nghĩa đầy đủ nhất.
Lấy anh hơn chục năm, sinh hai con đã lớn, họ hàng bạn bè vẫn không thôi tiếc cho chị. Bởi chị từng là niềm tự hào và hy vọng của cả gia đình, cha mẹ muốn con mình phải lấy được tấm chồng cho xứng đáng. Nhưng chị thờ ơ với cả đám trai hào hoa phong nhã theo đuổi, chỉ “chấm” anh: một công nhân bình thường, xấu trai, và trầm lặng.
Sau ngày cưới, thấy chị không chỉ đối đãi tốt với chồng, mà còn là “đầu tàu” lo hết mọi chuyện lớn nhỏ cho gia đình chồng, người thân và bạn bè càng tiếc. Còn chị chẳng hề hối hận: “Nếu được chọn lựa lần nữa, tôi vẫn lấy anh Dũng. Tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại”. Mãi rồi, gia đình chị cũng chịu mở lòng đón nhận người đàn ông “cục mịch, hiền lành” của chị.
Anh chẳng những không sợ mình lép vế, mà còn mở lòng tâm sự với con: “Nếu mẹ con lấy người khác, chắc không phải vất vả như ở với ba. Mọi thứ trong nhà đều do một tay mẹ con làm ra...”. Chị bối rối chữa thẹn: “Đừng nói thế anh, của chồng công vợ mà. Vì anh hy sinh thầm lặng, vì hợp số hợp mạng nên nhà mình mới đủ đầy, đầm ấm như hôm nay”.
Sự chăm sóc anh dành cho chị cứ như... chuyện lạ Việt Nam . Thật khó tin một giám đốc marketing như chị thời nay lại không biết đi xe máy, còn điện thoại di động chỉ biết mỗi phím tắt, mở. Cơm chị ăn, phải tự tay anh dọn. Mưa nắng, gió bão thế nào, anh cũng đến cơ quan đón vợ đúng giờ. Thấy anh cứ “độc quyền” đưa đón, chăm sóc chị, hàng xóm góp lời: “Các cháu lớn rồi, anh nên để chúng đỡ đần mẹ chúng giúp bố!”. Bọn trẻ cười vang: “Ôi trời! Ai mà cạnh tranh nổi vụ chăm sóc mẹ với ba cháu!”.
Nhưng sự chăm sóc ân cần của anh không đồng nghĩa với việc “cúc cung tận tụy”. Anh “đàn ông” theo một cách riêng. Và chị cũng yêu anh bằng cả tấm lòng, nể sợ anh một phép. Có lần, nhà hàng xóm hỏa hoạn, lửa cháy ngút trời, nhà chị sắp bén lửa đến nơi. Ai nấy giục chị bỏ chạy cho nhanh, mặc kệ gia tài, của nả nhưng đã vác cái bụng bầu thì chớ, chị còn cố vơ lấy tất cả thư từ ngày yêu anh gửi cho chị.
Và lần đầu tiên, kể cả đến giờ, sau gần 20 năm chung sống, anh quắc mắt quát chị: “Trời ơi! Giờ này mà còn thư với chả từ!”. Chiều nào cũng như chiều nào, sau giờ tan sở, chị chỉ có một hướng duy nhất mà tiến, đó là về phía anh đang chờ.
Chỉ có hai điều chị “chê” anh. Một, là anh yêu chị quá. Có lần chị hỏi: “Bạn em không thể tưởng tượng được lại có một tình yêu mà hai mươi năm không một chút hạ nhiệt?”. Anh cũng nói luôn: “Còn có người bảo anh: người như cô ấy, chồng không yêu mới lạ”. Thế nên, lúc nào chị cũng nhớ giữ gìn, để không vô tình làm anh buồn.
Hai là anh quá ít nói. Bạn bè chơi thân với chị cả chục năm, nhưng khi đến nhà chơi hay lúc gặp mặt, anh cũng không thân mật. Họ ngạc nhiên: “Anh yêu chị bằng tình yêu “siêu thực” như thế, mà lại để chị kém vui vì một việc không quá khó như vậy sao?”. Chị bảo: “Không trách anh được. Mỗi người có một cá tính. Không thể bắt họ nghĩ và làm như mình”. Đến con gái cưng như trứng mỏng của anh, đi học xa gọi điện về gặp ba, anh cũng chẳng nói gì và đưa máy cho chị. Ngay cả với chị, lúc tình cảm dạt dào nhất, anh cũng chỉ cầm tay vợ và nói được mỗi câu: “Thương quá!”. Nhưng chị hiểu cả tấm lòng của anh.
Tính chị bay bổng lãng mạn. Cũng có lúc chị nhận thấy sự “lệch pha” của hai tâm hồn, tự hỏi rằng biết đâu, nếu sống với một người lãng mạn khác, chị sẽ thấy thú vị, ngọt ngào hơn. Nhưng rồi chị cũng tự trả lời mình rằng ai biết cái sự lãng mạn đó nó sẽ kéo theo những rác rối gì. Còn ở với anh, tuy hạnh phúc “bay bổng” nhưng anh lại cho chị cảm giác bình yên, tin cậy. “Anh như người cầm dây diều chắc tay, bao dung và bản lĩnh, để “cánh diều tôi” tha hồ vi vu mà vẫn không lạc hướng”, chị thổ lộ chân thành.
Nhà thơ Xuân Diệu, trong một lần nói về thơ, đã có một câu có thể xem như một “tuyên ngôn” về bình đẳng giới: “Thơ muốn mang tính gì (văn học, dân tộc, hiện đại), thì trước hết phải mang “tính thơ” đã. Cũng giống như một người phụ nữ có nhiều chức vụ: tổ trưởng phụ nữ, bí thư chi bộ... thì khi đến thăm chồng, trước hết cô ấy phải là một người vợ đã (!)”.
Có thể nhà thơ chẳng quan tâm đến cái chuyện bình đẳng to tát kia khi phát biểu câu này, nhưng cứ ngẫm cho cùng, bất kỳ người nào, nam hay nữ, dù giỏi giang đến mấy, làm đến chức gì đi nữa, thì khi về nhà, sống bên người bạn đời của mình, điều cần nhất vẫn hãy là người chồng, người vợ của nhau, theo nghĩa giản dị và đầy đủ nhất. Vợ chồng nghĩa là yêu thương, tôn trọng, quan tâm và chia sẻ, đừng mặc cảm, tự ti, cũng đừng tính toán hơn thua, ích kỷ. Nếu làm được như vậy thì dẫu là “trăm chỗ lệch”, vợ chồng cũng kê được cho bằng.
"Trụ cột" trong gia đình doanh nhân
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” – câu nói ám chỉ đàn ông là trụ cột gia đình và phụ nữ có trách nhiệm vun vén hạnh phúc gia đình. Nhưng trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, nhiệm vụ xây nhà không còn là của riêng đàn ông. Không ít trường hợp, phụ nữ mới là người ‘xây nhà”, hoặc cả hai vợ chồng cùng là chủ gia đình. Điều này tưởng chừng bình thường nhưng trong nhiều trường hợp lại chính là mầm mống dẫn đến sự tan vỡ gia đình.
Quan điểm về trụ cột gia đình

Sau khi kết hôn, không chỉ người đàn ông luôn tâm niệm mình phải là trụ cột trong gia đình mà chính bản thân người phụ nữ cũng mong như vậy. Người vợ luôn mong mỏi chồng mình sẽ là một bờ vai chắc chắn để tựa vào.
Trong cuộc sống hiện đại, phụ nữ có nhiều cơ hội hơn để học tập, làm việc và thể hiện năng lực cũng như khả năng của mình. Tuy nhiên, nhiều người đàn ông vẫn không thể chấp nhận được sự “tiến bộ” của phụ nữ và không nhận là mình “yếu thế” hơn vợ về vị trí xã hội hay khả năng kiếm tiền. Điều đó chạm đến sự tự ái, tính tự tôn đàn ông của họ. Họ thấy như thế là không hợp với “chuẩn” của xã hội.
“Sếp bà” là chủ gia đình

Khi thu nhập của chồng thua kém nhiều so với người vợ và không đủ sức đảm đương cho một cuộc sống gia đình đầy đủ, không ít người vợ có suy nghĩ rằng trụ cột gia đình đã chuyển sang vai mình. Trong mắt họ, chồng mình chỉ là một người tầm thường, không đủ sức nuôi vợ con, thậm chí là ăn bám. Khi đó, họ nghiễm nhiên nghĩ rằng chồng con phải có trách nhiệm giúp đỡ mình, và họ tự cho mình cái “quyền” được quát mắng chồng con ngay tại nhà giống như mắng nhân viên của mình.
Khi bị vợ chiếm lĩnh thế “độc tôn” ở nhà, người đàn ông thường rơi vào trạng thái tự ti, mặc cảm. Con cái có xu hướng nghiêng về phía mẹ nhiều hơn. Người đàn ông cảm thấy không còn giá trị trong mắt người thân, không đáp ứng được yêu cầu của vợ vì năng lực không tới hoặc vì tự ái, không thể vượt qua “cái tôi” của mình. Từ đó, mâu thuẫn rất dễ nảy sinh. Người chồng có xu hướng bị thu hút bởi yếu tố bên ngoài nhằm chứng tỏ bản thân và lấy lại vị trí của mình. Họ trở nên lơ là với vợ con. Điều này rất dễ dẫn đến ngoại tình hay sa vào các tệ nạn như bài bạc, rượu chè.
Vợ chồng cùng là chủ gia đình

Khi cả hai đều là người “đứng đầu”, quỹ thời gian hầu như để hết ở công sở, họ lại thấy công việc là phần không thể thiếu. Với họ, làm việc không phải chỉ để có nhiều tiền mà gần như là niềm đam mê không dứt ra được. Cha mẹ thường xuyên vắng nhà, con cái nhờ hết vào ông bà và người giúp việc, chểnh mảng “chuyện gối chăn”, cả tuần chẳng ăn nổi một bữa cơ ở nhà. Vợ chồng giống như mặt trời và mặt trăng, có khi mấy ngày không thấy mặt nhau.
Nhiều khi, do cùng là ‘sếp” mà hai vợ chồng không tìm được tiếng nói chung trong giải quyết công việc gia đình. Ai cũng cho rằng mình đúng. Nếu không biết dung hòa và nhường nhịn nhau thì chính điều này sẽ trở thành mâu thuẫn khiến quan hệ vợ chồng trở nên căng thẳng.
Cũng có nhiều cặp vợ chồng thành đạt, do quá bận rộn và quay vòng trong công việc mà hai vợ chồng quên cả việc ngồi lại với nhau để bàn chuyện sinh con đẻ cái. Ví dụ như sếp Hùng, giám đốc 2 công ty tư nhân chuyên về đồ uống của Nga còn mải mê công việc đến mức đã bước sang tuổi tứ tuần mà vẫn chưa có ý định sinh con bởi anh không hình dung được nếu có con thì sẽ thế nào: “Nếu sinh con mà không có thì giờ nuôi dạy thì chưa chắc con đã là nguồn hạnh phúc mà có khi lại thành “của nợ” làm khổ cả đời”.
Cân bằng hạnh phúc gia đình

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, giảng viên khoa tâm lý, Đại học Sư phạm Hà Nội: vai trò trụ cột không chỉ thể hiện ở thu nhập mà còn ở nhiều yếu tố khác. Nam giới vẫn có thể tạo cho người phụ nữ của mình cảm giác bình yên khi là chỗ dựa tinh thần vững chắc, hiểu và chia sẻ mọi khó khăn với vợ, dù anh ta không phải là người kiếm được nhiều tiền. Hơn nữa, trong xã hội hiện đại, gánh nặng cơm áo có thể san sẻ cho cả hai người và cần tạo điều kiện cho bạn đời phát huy khả năng, không so sánh ai hơn ai kém trong nhà.
Để làm được điều này, người đàn ông cần có bản lĩnh để vượt qua tự ái cá nhân, hiểu và thông cảm công việc của vợ đồng thời luôn cố gắng để khẳng định mình. Đồng thời, người phụ nữ cần có ứng xử khéo léo, tinh tế để người chồng luôn có cảm giác mình vẫn là chỗ dựa, là người quan trọng với gia đình. Người vợ khéo léo cần biết đặt mình vào hoàn cảnh của chồng để hiểu và chia sẻ với anh ấy. Không nên so sánh chồng với người khác, đừng bắt anh ấy phải hoàn hảo như mình và đừng xem mình như người lãnh đạo trong nhà.
Với trường hợp vợ chồng cùng là “cái trụ” của gia đình thì việc cân bằng cuộc sống gia đình là nỗ lực cố gắng đòi hỏi với cả hai người. Không nên cho rằng ý kiến của mình là nhất mà nên tìm một ý kiến trung hòa mỗi khi xuất hiện ý kiến trái ngược nhau. Hai vợ chồng cần sắp xếp công việc hợp lý để có thời gian chăm sóc con cái, và chăm sóc nhau
0 nhận xét:
Đăng nhận xét